Gần 1.000 nghệ sĩ thi Liên hoan cải lương toàn quốc

Gần 1.000 nghệ sĩ tham gia Liên hoan cải lương toàn quốc – sự kiện được kỳ vọng góp phần vực dậy sân khấu ca cổ.

Liên hoan trở lại sau một năm hoãn vì dịch bệnh, diễn ra từ ngày 5 đến 20/11 tại Long An. Sự kiện giới thiệu 27 tác phẩm đến từ các đoàn cải lương chuyên nghiệp trên toàn quốc.

So với năm 2018, kỳ giải năm nay đa dạng hơn về đề tài. Trong đó, tuồng sử chiếm ưu thế, với các tác phẩm: Thái sư Trần Thủ Độ, Làm vua (nhà hát Cao Văn Lầu), Thiên mệnh (nhà hát cải lương Hà Nội), Huyền thoại Gò Rồng Ấp (nhà hát cải lương Việt Nam), Câu hò đất mẹ (nhà hát cải lương Trần Hữu Trang), Vua Thánh Triều Lê (sân khấu Sen Việt)… Liên hoan cũng ghi nhận nhiều vở được chuyển thể từ các tác phẩm kịch ăn khách như Câu hò đất mẹ, Ngược gió

Ông Trần Hướng Dương – Phó Cục trưởng Nghệ thuật Biểu diễn, đơn vị tổ chức – cho biết không hạn chế nội dung, khuyến khích hình thức sáng tạo mới. Nhờ vậy, các đơn vị có thể chủ động trong chọn kịch bản, lối dàn dựng dựa trên thế mạnh mỗi nơi, nhu cầu của khán giả ở từng địa phương. Theo quy định, các vở có thời lượng từ 90 đến 150 phút, được dàn dựng từ năm 2017 đến nay, hoặc được phục dựng với êkíp mới nhưng chưa thi chuyên nghiệp.

Lần thứ hai liên tiếp sự kiện được tổ chức ở Long An. Theo đại diện ban tổ chức, ngoài lý do tỉnh Long An xin tiếp tục đăng cai, địa phương này cũng có nhiều lợi thế về cơ sở vật chất, đáp ứng được yêu cầu chung của các đơn vị. Bà Nguyễn Thị Thủy – Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Long An – cho biết tỉnh đã huy động đội ngũ tình nguyện viên túc trực tiếp đón các nghệ sĩ, khán giả. Nhà hát cũng được cải tạo, nâng cấp màn hình Led để hỗ trợ các đơn vị biểu diễn.

Ông Trần Hướng Dương - Phó Cục trưởng Nghệ thuật Biểu diễn - tại buổi ra mắt sự kiện hôm 3/11 ở Long An. Ảnh: Bảo Bình

Ông Trần Hướng Dương – Phó Cục trưởng Nghệ thuật Biểu diễn – tại buổi ra mắt sự kiện hôm 3/11 ở Long An. Ảnh: Bảo Bình

Từng tham gia liên hoan năm 2018, diễn viên Hồng Thủy – đoàn cải lương Tây Đô – ấn tượng khâu tổ chức tốt, các suất diễn đông khán giả, người xem cổ vũ nhiệt tình. “Tôi mong sự kiện năm nay thành công để các buổi thi có thể tiếp cận khán giả cả nước, góp phần giúp công chúng hiểu và yêu hơn nghệ thuật cải lương”, Hồng Thủy nói.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ trao huy chương vàng, bạc, đồng cho các vở diễn và cá nhân. Ban tổ chức cũng trao giải cho các tác giả, đạo diễn, nhạc sĩ, họa sĩ, biên đạo múa… Sự kiện do Bộ tổ chức ba năm một lần, trước đây có tên Hội diễn Sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc, đổi tên vào năm 2018. Liên hoan được kỳ vọng là dịp liên kết những người làm nghề, cùng giao lưu, học tập kinh nghiệm giữ gìn, phát huy nghệ thuật sân khấu.

Bình luận đã bị đóng.